LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ 7
Liệt dây thần kinh số 7 là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác.Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng.Đây là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề và để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách.
–
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân vô căn: Khoảng trên 75% trường hợp mắc bệnh là do nhiễm lạnh đột ngột. Làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên.
Nguyên nhân thứ phát: Do biến chứng các loại chấn thương, như: chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm. Hoặc viêm tai mũi họng thường xuyên mà không chữa trị dứt điểm…
2. Triệu chứng
● Nhìn bình thường
+ Hai bên mặt không cân đối, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nhân trung bị kéo lệch về bên lành. Nửa mặt bên bệnh bất động và nhẽo (giảm trương lực cơ). Mất nếp nhăn trán và nếp nhăn khóe mắt. Lông mày hơi sụp xuống, má hơi xệ, rãnh mũi – má mờ, góc mép miệng bị xệ xuống, tai hình như thấp xuống.
+ Tuy nhiên, trong giai đoạn muộn có nhiều trường hợp mặt bệnh nhân khi không cử động nhìn thấy mặt vẫn cân đối. Chỉ khi cử động mới thấy mất cân đối do cơ bên liệt bị co cứng.
● Nhìn khi bệnh nhân cử động
+ Mặt và mắt mất cân đối rõ rệt hơn.
+ Bên bệnh không nhăn trán được, mắt không nhắm kín (dấu hiệu hở mi). Không làm được động tác nhe răng, phồng má, mím môi, huýt sáo, thổi lửa, chau mày.
+ Dấu hiệu Charles – Bell: dương tính: biểu hiện là khi bệnh nhân nhắm mắt chủ động, mắt bên liệt nhắm không kín, nhãn cầu vận động lên trên và ra ngoài (khi đó giác mạc lẩn dưới mi trên, củng mạc trắng lộ rõ giữa hai khe mi).
+ Dấu hiệu Negro: khi bệnh nhân ngước mắt nhìn lên trên, đồng tử bên tổn thương ở vị trí cao hơn bên lành.
+ Dấu hiệu Souques: trong khi nhắm hai mắt thì mắt bên bệnh nhắm không được chặt, lông mi của bên bệnh còn thò ra ngoài dài hơn bên lành.
+ Dấu hiệu Pierre Marie – Foix: phát hiện liệt mặt trong trường hợp bệnh nhân hôn mê. Thầy thuốc ấn mạnh vào hai góc hàm hoặc giật tóc mai của bệnh nhân, bệnh nhân sẽ nhăn mặt, khi đó nửa mặt bên lành sẽ co, còn bên liệt không có phản ứng gì.
+ Các triệu chứng khác: liệt dây VII ngoại vi có thể đi kèm theo liệt nửa người kiểu trung ương bên đối diện. Như trong hội chứng Millard – Gubler hay hội chứng Foville cầu não dưới.
3. Điều trị dây thần kinh số VII ngoại biên
3.1. Điều trị nội khoa
+ Dùng corticoide, axid acetyl salicylic.
+ Chỉ định dùng thuốc kháng sinh không phải cho mọi trường hợp mà chỉ khi có nhiễm khuẩn.
+ Dùng các thuốc giãn mạch: fonzilan, cavinton…
+ Kích thích tăng dẫn truyền: nivalin, methylcoban (có thể dùng điện phân nivalin).
+ Dùng thuốc tái tạo bao myelin: nucléo – CMP forte.
+ Dùng sinh tố nhóm B liều cao.
+ Dùng thuốc chống gốc tự do: vitamin E, eckhart Q10…
+ Điện châm các huyệt: Bế phong, Dương bạch, Toản trúc, Tình minh, Ty trúc không, Đồng tử liêu. Thừa khớp, Nghinh hương, Giáp xa, Địa thương, Nhân trung, Thừa tương cùng bên liệt… Toàn thân châm huyệt Hợp cốc, Phong bì bên đối diện. Nên tránh kích thích quá mức để gây co cứng cơ mặt. Khi mắt đã gần bình tường thì dừng điều trị kích thích. Khi thấy các dấu hiệu co cứng cần ngừng ngay liệu pháp điện, châm cứu, xoa bóp.
• Trường hợp bị liệt mặt co cứng dai dẳng điều trị không kết quả: có thể tiêm cồn huỷ dây thần kinh.
3.2. Điều trị ngoại khoa
• Mổ để giải phóng dây thần kinh trong ống dây thần kinh mặt do viêm tai.
• Chỉ định phẫu thuật:
+ Liệt dây VII do viêm tai cấp hoặc mạn tính: điều trị bảo tồn trong 4 – 5 tuần khi không có dấu hiệu phục hồi thì phẫu thuật.
+ Liệt dây VII do mổ tai: cần kiểm tra ống Fallop, nếu có thay đổi hình thái cần phải mổ; nếu không có thay đổi thì điều trị nội khoa, sau 4 tuần không hồi phục thì tiến hành mổ.
4. Theo y học cổ truyền
Tác nhân gây bệnh là Phong tà, Hàn tà, Nhiệt tà và huyết ứ xâm phạm vào các lạc mạch của các kinh dương ở mặt (theo kiểu truyền kinh) làm mất sự lưu thông của khí huyết dẫn đến kinh cân thiếu nuôi dưỡng gây liệt cơ vùng mặt.
– Bắt đầu tà khí phạm vào kinh Thái dương (Bàng quang, Tiểu trường) gây ra các triệu chứng như góc trong mắt nhắm không kín, trước tai đau nhức. Sau đó truyền đến kinh Dương minh (Vỵ, Đại trường) gây méo miệng, nhân trung lệch, mất rãnh mũi má…Cuối cùng truyền đến kinh Thiếu dương (Đởm, Tam tiêu) gây mất nếp nhăn trán, góc ngoài mắt nhắm không kín, sau tai và vùng gáy đau nhức…
Dựa vào nguyên nhân và cơ chế gây bệnh nêu trên, y học cổ truyền xếp thành 3 thể bệnh chủ yếu sau đây:
4.1. Phong hàn phạm kinh lạc
Thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do lạnh.
Triệu chứng như trên (phần y học hiện đại).
Kèm theo người gai lạnh, sợ lạnh.
Hoàn cảnh khởi phát bệnh ít nhiều có liên quan đến yếu tố thời tiết lạnh như sau khi gặp mưa, mùa lạnh…
Rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
4.2. Phong nhiệt phạm kinh lạc
Thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do nguyên nhân viêm nhiễm.
Triệu chứng như trên (phần y học hiện đại).
Kèm theo người sốt, sợ gió, sợ nóng.
Rêu lưỡi trắng dày. Mạch phù sác.
4.3. Huyết ứ ở kinh lạc
Thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do nguyên nhân chấn thương hoặc khối choáng chỗ.
Triệu chứng như trên (phần y học hiện đại).
Luôn có kèm dấu đau.
Xuất hiện sau một chấn thương hoặc sau mổ vùng hàm, mặt, xương chũm.
5. Điều trị bằng châm cứu

Châm cứu điều trị liệt 7 ngoại biên
Có thể nói phần lớn những trường hợp liệt mặt ngoại biên chỉ cần áp dụng phương pháp trị liệu bằng châm cứu, xoa bóp và tập luyện cơ đã đạt kết quả cao.
1. Công thức huyệt gồm:
Toản trúc, Ấn đường, Thái dương, Dương bạch, Nghinh hương, Giáp xa, Hạ quan, Địa thương. Đây là những huyệt tại chỗ trên mặt (thay đổi theo ngày).
Ế phong, Phong trì.
Hợp cốc.
2. Kỹ thuật:
Phần lớn là ôn châm (vì đa số trường hợp liệt mặt là do lạnh). Ôn châm cũng đồng thời được chỉ định trong trường hợp huyết ứ (do sang chấn). Nếu thuộc thể phong nhiệt phạm lạc mạch, kỹ thuật sử dụng là châm tả.
Tránh sử dụng điện châm do nguy cơ gây co thắt phối hợp ở mặt và co cứng mặt về sau. Nếu sử dụng điện trị liệu, chỉ dùng dòng điện galvanic ngắt đoạn.
3. Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
Bao gồm những nội dung:
Bảo vệ mắt trong lúc ngủ.
Xoa bóp và chườm nóng cơ mặt vùng liệt
Tập luyện cơ bằng chủ động trợ giúp và tiến tới tập chủ động có đề kháng.
Kỹ thuật:
a. Xoa bóp:
Người bệnh nằm ngữa, đầu kê trên gối mỏng.
Thầy thuốc đứng ở phía đầu người bệnh.
Vuốt từ dưới cằm lên thái dương và từ trán hướng xuống tai.
Xoa với các ngón tay khép kín, xoa thành những vòng nhỏ.
Gõ nhẹ nhanh vùng trán và quanh mắt với các đầu ngón tay.
b. Tập luyện cơ:
Người bệnh cố gắng thực hiện các động tác:
Nhắm 2 mắt lại.
Mỉm cười.
Huýt sáo và thổi.
Ngậm chặt miệng.
Cười thấy răng và nhếch môi trên.
Nhăn trán và nhíu mày.
Hỉnh 2 cánh mũi.
Phát âm những âm dùng môi như b, p, u, i…
Để phòng ngừa bệnh, chúng ta cần nâng cao sức đề kháng. Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý nhiều rau xanh, vitamin. Khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh. Vào mùa nắng nóng sử dụng quạt, điều hòa không nên để luồng khí lạnh trực tiếp vào người, nhất là sau gáy.
–
PHÒNG KHÁM minhphuong “Trung tâm châm cứu, bấm huyệt tại nhà- chữa bệnh không dùng thuốc”
Xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà của người dân chúng tôi gồm các bác sĩ, y sĩ y Y Học cổ truyền với nhiều năm kinh nghiệm điều trị các bệnh :
• Thoái hóa cột sông, mất ngủ.
• Thoái hóa khớp gối
• Các hội chứng đau tê bì do thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa.
• Liệt dây thần kinh số 7
• Đau dây thần kinh liên sườn
• Phục hồi chức năng sau tai biến.
Hãy liên hệ với chúng tôi để đăng ký dịch vụ châm cứu bấm huyệt tại phòng khám hoặc tại nhà cho bản thân và gia đình bạn: