Phối hợp huyệt là phép dùng những huyệt có tác dụng tương đồng hoặc có tác dụng bổ sung lẫn nhau để phát huy, hiệp đồng tác dụng nhằm mục đích đặt được kết quả điêu trị cao nhất. Để tạo thành một công thức huyệt thì có thể dùng cách lấy huyệt cục bộ, lấy huyệt ở xa hoặc tùy chứng lấy huyệt; Nhưng phối hợp huyệt thì có nhiều cách khác nhau. Ngoài các cách phối huyệt mà trong khi học chúng ta đã được biết như: Phối hợp huyệt nguyên và huyệt lạc; Phối hợp huyệt du và huyệt mộ; Phối hợp huyệt giao hội của bát mạch kỳ kinh… thì chúng ta còn thường dùng các cách phối huyệt sau.
- Độc huyệt pháp: Đây là pháp dùng một huyệt duy nhất mà điều trị có hiệu quả một chứng bệnh nào đó. Ví dụ: Hôn mê dùng huyệt nhân trung; ỉa chảy cấp do lạnh cứu huyệt thần khuyết; sa trực tràng cứu huyệt bách hội…Những năm gần đây thủ pháp dùng một huyệt ngày càng được nhiều thầy thuốc sử dụng trong điều trị vì tính đơn giản và hiệu quả của nó.
- Hai huyệt cùng dùng: Pháp này được sử dụng khi điều trị một chứng bệnh nào đó thì đồng thời dùng huyệt ở cả 2 bên, cách phối huyệt này được ví như tả hữu khai cung, hai mũi tên cùng bắn từ đó hiệu quả điều trị sẽ đạt cao hơn. Ví dụ: Đau ngực dùng hai huyệt nội quan; Đau dạ dày dùng hai huyệt công tôn…
- Tứ chi tương ứng phối huyệt: Pháp phối huyệt này khi điều trị thầy thuốc sẽ lấy huyệt ở tứ chi. Ví dụ: Ngực bụng đau, nôn nấc dùng huyệt công tôn và nội quan hai bên. Đau đầu phát sốt, sườn đau tức, đới hạ dùng huyệt túc lâm khấp và ngoại quan hai bên. Đau họng, ho dùng huyệt liệt khuyết và chiếu hải hai bên.
- Bệnh trên lấy huyệt dưới: Bệnh ở phần trên của cơ thể thì lấy huyệt điều trị ở phần dưới cơ thể. Ví dụ: Đau răng lấy huyệt chiếu hải; Đau nửa đầu lấy huyệt ngoại quan, lâm khấp; Kinh nguyệt không đều, thống kinh, bế kinh lấy huyệt công tôn, giao tín.
- Bệnh dưới lấy huyệt trên: Bệnh ở phần dưới cơ thể lấy huyệt điều trị ở phần trên cơ thể. Ví dụ: Sa trực tràng, sa tử cung lấy huyệt bách hội. Đau lưng, chân lấy huyệt phong phủ và nhân trung. Đau tay lấy huyệt đại chùy. Đái dầm lấy quan nguyên và khí hải
- Bệnh phải lấy huyệt trái và ngược lại: Đau nửa đầu trái lấy huyệt ngoại quan, túc lâm khấp bên phải và ngược lại; Liệt bảy ngoại biên bên trái lấy huyệt ngoại quan, giáp xa bên phải.
- Tả – hữu phối huyệt (âm – dương phối huyệt): Lấy huyệt ở cả hai bên hoặc một bên phải hoặc một bên trái. Ví dụ:Trúng phong kinh lạc, bán thân bất toại bên phải lấy huyệt bên trái hoặc lấy huyệt cả hai bên. Đau dạ dày, nôn mửa, kinh nguyệt không đều lấy huyệt nội quan bên phải và công tôn bên trái hoặc ngược lại.
- Trên dưới phối huyệt: Lấy huyệt ở phần trên và phần dưới cơ thể phối hợp với nhau. Ví dụ: Đau đầu lấy huyệt cường gian (trên) và phong long (dưới). Đau ngực lấy huyệt tiểu hải (trên) và âm thị (dưới).
- Bản kinh phối huyệt: Khi một kinh, một tạng phủ nào đó có bệnh thì lấy các huyệt trên kinh đó phối hợp với nhau để tạo thành công thức huyệt. Ví dụ: Bệnh ho của phế lấy huyệt trung phủ, xích trạch, thái uyên.
- Biểu lý phối huyệt: Phương pháp này liên quan đến tạng phủ, kinh lạc, âm dương, biểu lý. Khi có một tạng phủ kinh lạc nào đó bị bệnh thì lấy huyệt trên kinh có quan hệ biểu lý với nó để điều trị. Trên lâm sàng có thể chọn huyệt trên biểu kinh hoặc huyệt trên lý kinh hoặc phối hợp cả hai. Ví dụ: Đau răng lấy dũng tuyền, côn lôn (biểu lý phối hợp). Đau dạ dày, bụng đầy chướng (do vị) lấy huyệt đại đô, thái bạch (kinh tỳ) = biểu chứng lấy huyệt trên lý kinh. Đau lưng (thuộc thận) lấy huyệt kinh cốt, côn lôn (kinh bàng quang) = lý chứng lấy huyệt trên biểu kinh.
- Trước sau phối huyệt: Trước là bụng, ngực thuộc âm. Sau là gáy lưng thuộc dương. Phép phối huyệt này dùng khi một tạng phủ nào đó bị bệnh thì lấy huyệt ở cả phía trước và phía sau. Ví dụ: Đau dạ dày lấy trung quản (trước) và vị du (sau); Các bệnh về não lấy huyệt nhân trung (trước) và phong phủ (sau).